Đây không phải lần đầu Nguyên dối chồng. Nhiều lần đi công tác chung, tôi thường chứng kiến cảnh bạn mình nay nói dối chồng việc này, mai việc khác, mà toàn là những chuyện vặt vãnh, không đáng.
Nguyên học cùng tôi ở trường trung cấp y tế. Ra trường, Nguyên lấy Khanh, một y sĩ cũng nghèo, lại còn phải thay gia đình lo cho hai người em ăn học, nên cuộc sống khó khăn, chật vật. Tôi may mắn lấy chồng khá hơn, nên cuộc sống cũng ổn định. Hai đứa cùng làm y tế cộng đồng nên nhiều dịp đi đây đó chung. Những lần công tác xa, thấy đặc sản vùng miền là lạ, tôi hay mua về làm quà. Nguyên cũng mua, nhưng cô hay nói với Khanh là ai đó trong đoàn cho. Nhưng, Khanh để ý cứ sau mỗi chuyến đi là mỗi lần vợ thiếu hụt. Gần đây, hai người thường cãi nhau chuyện tiền nong, Khanh thẳng thắn: "Anh thấy hình như khi đi công tác về, đợt nào em cũng thiếu tiền. Em cần phải khéo tính toán chi tiêu hơn". Vậy là, Nguyên bù lu bù loa: "Thế những thứ đặc sản, tôm, khô, cá, mắm mà tôi mang về cho anh và các con đang ăn đây là gì? Đó không phải là công tác phí thì ở đâu ra?". Khanh nghe xong, giận, hất cả mâm cơm "đặc sản" của vợ xuống đất, bỏ đi nhậu.
Chị Kiều, chị họ của tôi cũng là người đã sống trong màn kịch dối chồng suốt 5 năm qua. Từ tháng 4/2007, do công ty gặp khó khăn trong kinh doanh, chị nằm trong danh sách bị chấm dứt hợp đồng. Đây là công ty nước ngoài, có mức thu nhập khá cao. Thấy thương chị ở tuổi 49 còn bị sa thải, tìm việc mới khó khăn, biết chị có tài nấu ăn lại chu đáo, đảm đang, nhiều chị em trong công ty cũ và bạn bè đã nhờ chị việc nhà như đưa đón con đi học, chăm cha mẹ già, nấu ăn theo giờ… Những người bạn của chị Kiều, trong đó có gia đình tôi, trả công cho chị luôn cao hơn phí dịch vụ bình thường. Tính ra, chị cũng dư tiền chợ búa trong nhà.
Sau lần cãi nhau đó, lẽ ra nên nói thật, thì cô lại nghĩ cách nói dối… khéo léo hơn (Ảnh minh họa)
Nhưng, thay vì nói thật với chồng về công việc mình đang làm, chị lại nói với anh Trung, chồng chị: "Giờ nghỉ việc rồi, nên em đi giúp tụi bạn việc này việc kia cho vui". Anh Trung tính vốn xuề xòa, tán thành: "Nếu em thấy làm như vậy không tốn nhiều công sức, lại vui thì thu xếp việc nhà mà giúp bạn. Sống thì phải có qua có lại". Nhưng rồi vì công việc, nhiều khi chị không kịp đón con hay nấu ăn chiều cho gia đình. Có lúc đang bữa ăn, chị nghe điện thoại, lại quày quả, gói áo quần vào bệnh viện, khi chăm giúp ba người bạn này mệt tim, lúc trông mẹ người bạn kia phẫu thuật. Trong khi đó, anh Trung vừa phải đi làm, vừa canh đưa đón con cho những ngày chị chạy bệnh viện, đâm mệt, nói: "Làm gì mà em cứ như Ôsin nhà bạn em vậy?". Tủ i thân, chị khóc. Chị tâm sự với tôi: "Anh ấy đâu biết tiền lương của anh ấy chỉ đủ tiền điện, nước và học phí các con. Chị phải lo tiền chợ, lo cho trong nhà có thêm khoản để dành. Mỗi lần chạy việc giữa đêm như vậy, chị cũng xót vì bỏ con, bỏ anh ấy ở nhà một mình chứ, nhưng nếu từ chối không nhận… mai mốt ai gọi mình nữa".
Cũng vì thế, anh Trung và các con ngày càng tỏ ra… ghét bạn bè của chị, cho là họ lợi dụng chị, trong khi thực tế, chị luôn nhận từ bạn bè những ưu ái và sự biết ơn. Tôi cứ thắc mắc mãi vì sao chị Kiều phải che giấu chồng việc làm chính đáng ấy của mình?
Phần Nguyên, sau lần cãi nhau đó, lẽ ra nên nói thật, thì cô lại nghĩ cách nói dối… khéo léo hơn, để không bị phát hiện. Tuy nhiên, Khanh đã không còn tin vợ nên việc gì cũng tra vấn, hỏi đi hỏi lại nhiều lần để tìm "kẽ hở".
Không biết những trò nói dối như thế sẽ bưng bít được đến bao giờ, chỉ thấy trước mắt, chị Kiều và Nguyên luôn phải… sống trong lo âu, sợ hãi. Cả hai đã không nhận ra được, điều quan trọng nhất trong ứng xử vợ chồng phải là sự trung thực.
0 comments:
Post a Comment