Cha mẹ em làm nông, chắt chiu hết sức cũng chỉ có thể gửi cho em mỗi tháng 1,5 – 2 triệu đồng. Cách đây 2 năm, khoản tiền này tuy không nhiều nhưng cũng tạm để em trang trải tiền nhà trọ, tiền điện nước, chi tiêu hàng ngày. Để có thêm tiền chi tiêu cho việc học Anh văn, thỉnh thoảng đi cà phê, hay mua bộ quần áo mới, em phải đi bán hàng bán thời gian…
Thế nhưng, thời gian gần đây, mọi chi phí đều tăng khiến tất cả sinh viên bọn em đều chóng mặt. Em và cô bạn cùng phòng đã lên kế hoạch tiết giảm rất nhiều khoản chi tiêu hàng ngày, trong đó nói không với rất nhiều thứ, vậy mà chật vật vẫn hoàn chật vật!
Em biết có nhiều nữ sinh viên cũng đang cặp các đại gia để được bao bọc, nhàn thân. Trước đây, em cực lực phản đối chuyện này và cho rằng phải làm "cây tầm gửi" là điều nhục nhã. Vậy mà rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế này, em lại thay đổi quan niệm sống, cho phép mình buông thả để tìm sự an nhàn, sung sướng.
Nhân vật khiến em gật đầu làm phận bé là một người đàn ông lớn tuổi hay đến quán cà phê nơi em làm thêm. Ông ta đi xe hơi bóng lộn và thường kêu cà phê đen không đường. Mỗi lần đến quán, ông ấy ngồi rít thuốc lá rất lâu và hay xoa trán với vẻ mệt mỏi. Khi em mang cà phê đến thì ông ấy nhìn em với một ánh mắt hơi lạ. Thỉnh thoảng ông hỏi thăm em một cách vu vơ. Lúc đầu em cũng phớt lờ ánh mắt đó và chẳng buồn quan tâm đến ông ta. Thế nhưng, chẳng biết bằng cách nào ông ấy có được số điện thoại của em và nhắn tin thăm hỏi, rủ em đi ăn.
Không tỏ ra quá săn đón nhưng ông ấy gieo vào lòng em một ý nghĩ "có thể bám làm phao cứu sinh" lúc này. Vì muốn giải thoát bế tắc về tài chính nên em đồng ý. Chẳng có hợp đồng nào ràng buộc nhưng em hiểu chỉ cần mình làm cho ông ta vui vẻ là "muốn gì được nấy".
Cuộc sống vật chất của em từ đó luôn đầy đủ nhưng có điều em vẫn cảm thấy tủi hổ vì "danh phận" là vợ bé của đại gia. Trước đây tuy nghèo khó nhưng đi đâu em cũng ngẩng cao đầu. Em phải làm gì để tìm lại được chính mình?
Thanh Hoa (Bình Thuận)
Thanh Hoa thân mến!
Như em giãi bày, thời khủng hoảng kinh tế kèm theo cơn bão giá phong tỏa, sinh viên xa nhà là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đúng là chưa bao giờ sinh viên lại phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền như bây giờ.
Thật tiếc là lúc đầu em đã cố chống chọi với cơn bão giá để tồn tại nhưng mới đi được một đoạn đường ngắn thì đã bị tâm bão xô đẩy dẫn đến dao động, bi quan. Em đã chọn đường thoát thân khỏi tâm chấn thời bão giá bằng việc tìm một chỗ dựa về tài chính. Chỗ dựa ấy lúc đầu êm ái nhưng dần dần nó sẽ bộc lộ cạm bẫy gây bao vết thương làm nhức nhối lương tâm, lòng tự trọng của người phụ nữ. Là trí thức, hơn ai hết em hiểu rõ điều đó khi dấn thân làm phận lẽ, "bồ nhí" của "đại gia".
Theo chị, để thoát khỏi tình trạng "nô lệ tình dục" này thì em phải tự trả lời được câu hỏi: "Mình có muốn sống tự lập? Mình có đủ nghị lực, quyết tâm rời cám dỗ về vật chất và những đồng tiền không sạch sẽ này không?". Khi trả lời được những câu hỏi này thì em đã tìm được hướng đi tốt nhất cho mình. Chị chỉ nói nhỏ với em rằng đối với người phụ nữ, lòng tự trọng, phẩm giá là đáng quý nhất. Đừng bao giờ bán rẻ nó.
0 comments:
Post a Comment