"Áo trắng" gây chấn động làng quê
Ngày 26/6, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án giết người mà bị cáo và bị hại đều là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Bị cáo Trần Thu Trang (sinh năm 1996, trú tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) mặc áo thun đen bó sát, làm nổi bật làn da trắng hồng đầy sức sống của tuổi mới lớn. Lúc gây án, Trang vừa kết thúc kỳ thi chuyển cấp, chờ đợi kết quả để lên lớp 10. Thế nhưng, chưa kịp viết tiếp ước mơ của mình, Trang đã vướng vào vòng lao lý. Đứng cạnh Trang là cô bé Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1995, cùng xã), hiện đang theo học lớp 10 của một trường THPT ở huyện Phúc Thọ. Ngọc Anh trong bộ đồng phục học sinh, cúi mặt hối lỗi.
Cả Trang và Ngọc Anh đều là tác nhân gây ra vụ trọng án, nhưng hai người lại đứng ở hai vị trí khác nhau. Trang bị truy tố về tội "Giết người" theo điểm C (giết trẻ em), khoản 1, Điều 93 -BLHS, còn Ngọc Anh thì bị truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Vụ án mạng đau lòng xảy ra vào ngày 25/6/2011. Trước đó, vào năm 2010, Ngọc Anh và Trang đã mâu thuẫn với nhau. Cho rằng mình bị nói xấu, hai bên đã xích mích, đánh nhau. Dù hơn tuổi nhưng Ngọc Anh vẫn bị Trang đánh và bắt quỳ xuống xin lỗi. Tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, sáng ngày 25/6/2011, hai người chị họ của Ngọc Anh là Hoàng Thị Thu Phương (sinh năm 1994, Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) và Nguyễn Thị Kim Ngân (sinh năm 1995, ở Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) đến nhà Ngọc Anh chơi. Cả ba cùng ra chợ Me (xã Tích Giang), Ngọc Anh gặp Trang, cả hai hậm hực nhìn nhau mà không chào hỏi. Thấy thế, Ngân hỏi Ngọc Anh: "Con này là con nào". Ngọc Anh kể cho chị nghe về việc xô xát với Trang trước đây. Nghe thế, Ngân "hạ" quyết tâm phải "phục thù" cho em gái, tìm Trang để "dằn mặt" .
Khoảng 19h cùng ngày, Ngọc Anh điều khiển xe máy chở Ngân, Phương và hai người bạn cùng thôn đến trước cổng nhà Trang, quyết "rửa hận" bằng được. Trang đang ngồi xem phim với anh trai tên Quân (sinh năm 1993) và em trai tên Sang (sinh năm 1999) trong nhà, bất ngờ nghe tiếng ai đó gọi mình ngoài ngõ. Vừa thấy Trang, Ngân đã lớn tiếng hỏi: "Em có phải là Trang không?". Trang hất hàm: "Các chị là ai?". Ngân đáp: "Các chị là các chị" rồi bảo Trang: "Em lên xe máy chị chở ra đây có chị Linh gặp". Nghe tên Linh quá xa lạ, Trang ngần ngại không đồng ý rồi bỏ vào nhà. Nhưng Ngân vẫn liên tục gọi Trang ra. Thấy thế, Trang vào nhà bếp lấy con dao gọt hoa quả giấu vào sau lưng quần, điềm tĩnh bước ra ngõ để gặp mấy người bạn.
Lời qua tiếng lại, Ngân quay sang Ngọc Anh nói: "Bây giờ xử lý con này như thế nào, thích nhẹ nhàng hay mạnh mẽ?". Trang đứng im lặng một lúc rồi bỏ vào nhà thì Ngân và Ngọc Anh chạy đến túm lấy tóc, đấm đá, dồn Trang vào bờ tường. Bị tấn công, Trang rút con dao đâm Ngân và Ngọc Anh. Nghe tiếng xô xát, Quân và Sang từ trong nhà chạy ra thì thấy Ngân ngã vật ra đường. Ngân bị mất máu cấp, suy hô hấp cấp nên tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngay sau đó, Trang gọi bố mẹ về đưa đến công an đầu thú.
Trên các phương tiện thông tin gần đây, nữ sinh luôn giải quyết mâu thuẫn bằng "nắm đấm" (ảnh minh họa)
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ án mạng mà đối tượng gây án là những nữ học sinh khoác trên mình chiếc áo trắng tinh khôi. Cách đây 1 tháng, một vụ án mạng thương tâm xảy ra ngay tại trường THPT Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) khiến một nữ sinh tử vong, một người khác bị thương nặng. Hung thủ là một nữ sinh cùng lớp với bị hại, tên là Lê Thị Hà Trang (sinh năm 1997, học sinh lớp 9B). Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ tích tụ, dồn nén lâu dài mà Trang đã gọi Phạm Thị Ngọc Ánh (SN 1997) và Trần Thị Hoài (SN 1997), cùng là học sinh lớp 9B ra ngoài lớp để "nói chuyện". Trong lúc không kiềm chế được bản thân, Trang mở cặp lấy 1 dao nhọn đâm 1 nhát vào ngực Hoài, 1 nhát vào bụng Ánh. Ánh bị chết trên đường đi cấp cứu. Hoài bị thương nặng. Sau khi gây án, Trang đã bỏ trốn.
Gióng hồi chuông cảnh báo
Những vụ án mạng do những đối tượng là nữ thanh thiếu niên gây ra đang trở thành một vấn nạn báo động trên toàn xã hội. Trước đó, tình trạng bạo lực học đường cũng diễn ra một cách dồn dập, tăng lên đột biến khiến nhiều người lo sợ. Đặc biệt, đối tượng là những nữ học sinh - vốn được nhắc đến với sự nữ tính, mềm mại.
Trong phiên tòa xét xử Trần Thu Trang, những người tham dự phiên tòa không khỏi bàng hoàng với từng lời khai của các nạn nhân. Cô giáo Hiệu trưởng trường THCS nơi hai bị cáo học đắng lòng khi phải chứng kiến cảnh hai học sinh ngoan của mình phải đứng trước vành móng ngựa để đối mặt với tội lỗi của mình, chỉ vì những xích mích nhỏ không thể hòa giải hằng ngày. Cô cho biết, Trang và Ngọc Anh đều là học sinh chăm ngoan, học lực khá giỏi. Trong suốt những năm theo học ở trường, cả hai em học sinh đều không có những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức. Riêng Trang còn là một trong những học sinh tích cực tham gia phong trào đoàn, đội...
"Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến thầy trò trường chúng tôi hết sức bàng hoàng, đau xót"- nữ Hiệu trưởng Trường THCS Tích Giang ngậm ngùi, nức nở. Điều mà nhiều người cũng có thể nhận thấy là tội ác mà Trang gây nên có một phần trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Việc Trang và Ngọc Anh va chạm với nhau họ không mảy may hay biết. Mâu thuẫn cứ thế âm ỉ, lớn dần và các nữ sinh đã tìm cách hóa giải xích mích bằng bạo lực. Với những gì diễn ra ở phiên tòa này chắc hẳn những người lớn trong cuộc và cả những người không liên quan sẽ phải tự rút ra cho mình một bài học sâu sắc trong việc nuôi dạy, giáo dục con, để những đứa trẻ phải chịu mức án 6 năm tù giam về tội "Giết người" (Trần Thu Trang) và 9 tháng tù (hưởng án treo) là cái giá mà Nguyễn Ngọc Anh phải gánh chịu theo tội danh bị truy tố.
Tại cuộc hội thảo "Thực trạng và giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong học sinh nữ" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ông Trần Thế Hồng, đại diện Văn phòng thường trực, PCTP và MT, Tổng cục CSPCTP - Bộ CA chia sẻ, những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống dẫn đến một bộ phận học sinh trung học phổ thông phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội. Đa phần các em bị kỷ luật vì đánh nhau, khi lớn lên dễ đi vào con đường phạm tội.
Theo thống kê của Ban chủ nhiệm Đề án "Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên" thuộc Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ, trong 10 năm (2000 - 2010), hằng năm, lực lượng công an toàn quốc phát hiện trung bình khoảng 9 nghìn vụ phạm tội do trên 12 nghìn em ở tuổi vị thành niên gây ra. "Thực tế hiện nay, các em tuổi vị thành niên gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, trong mối quan hệ xã hội đang ngày càng tăng, trong khi ngay từ bé, các em không được dạy dỗ cụ thể về kỹ năng đương đầu với thử thách, giải quyết xung đột, kỹ năng ra quyết định, vượt qua thử thách... nên khi gặp những bước ngoặt thường không biết xử lý dẫn đến hành động ti êu cực...".
Những đối tượng gây án, vi phạm pháp luật đều phải nghiêm trị. Nhưng đằng sau một phiên tòa xét xử là nỗi ân hận muộn màng của người lớn, và hồi chuông cảnh báo cho các ban ngành liên quan trước một thực trạng bạo lực đang diễn ra trong thế giới "nhất quỷ nhì ma" này.
Theo tiến sỹ Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội), có 96,7% học sinh Hà Nội tham gia trả lời phỏng vấn đã khẳng định có tình trạng nữ sinh đánh nhau. Trong các em nữ từng đánh nhau thì số nữ một lần đánh nhau là 12,7%, 2 - 3 lần đánh nhau là 20,7%; 4 - 5 lần là 10,7%; và 19,3% đánh nhau từ 5 lần trở lên. Không có sự phân biệt giữa các lớp học về tỷ lệ nữ sinh có hành vi đánh nhau. Các em học sinh lớp 10 cũng sánh ngang với các chị lớp l1, 12 về "thành tích" nói chuyện với bạn bè bằng vũ lực. Điều đáng nói là các em không nhận thức được hành vi của mình là sai: có tới 39,6% số nữ sinh từng đánh nhau coi đó là việc "bình thường" và 39,6% số nữ sinh "chấp nhận được" hành động này.
0 comments:
Post a Comment