Không là anh cả, cũng chưa phải em út, nên gã chưa phải là trụ cột gia đình. Dẫu vậy, cách đây mấy năm, theo chân chúng bạn cùng trang lứa, gã lập bập vào Sài Gòn làm công nhân kiếm sống.
Lúc bấy giờ, vô công rồi nghề để vào Nam lập nghiệp đang thịnh nên gã dứt khoát đi, mặc cho cả đời chưa bước ra khỏi đồng làng. Sau nhiều năm bôn ba từ Tây Nguyên, vào Bình Dương lên Bình Phước rồi quay lại Gia Lai.
Năm 2007, gã tích cóp được một chút tiền nên đi học nghề rồi được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Sông Đà 3, đóng chân tại phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cuộc đời của gã coi như đã an cư.
Cuối năm ấy, gã được nghỉ phép về quê ăn tết và lần về lại cố hương này, ông trời đã thương tình se duyên khi gã gặp gỡ với Trịnh Thị Phương, 17 tuổi, là người cùng xã.
Nhìn cô gái làng phổng phao xinh đẹp, gã thầm thương nhớ trộm. Phương cũng quý gã nên hai người đã nảy sinh tình cảm yêu đương. Sau thề non hẹn biển, gã tiếp tục quay vào Tây Nguyên làm việc, còn người yêu thì ra Bắc để theo học tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Khoảng cách địa lý, trình độ học vấn không hề ảnh hưởng đến tình cảm của hai người, xa mặt nhưng không cách lòng, gã và người yêu vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua thư từ, điện thoại. Gã cũng không quên hứa hẹn với người yêu là sau này khi Phương ra trường, gã sẽ trở về quê tổ chức cưới hỏi.
Tình cảm cứ thế mặn nồng trong suốt 3 năm Phương theo học tại Hà Nội. Cho đến khi ra trường, mọi chuyện đã bắt đầu xoay chuyển theo một hướng khác, mà nguyên nhân là người yêu không xin được việc, liên tục đề cập đến chuyện cưới xin trong khi gã vẫn chưa thấy đủ tiền và cả tâm lý để chuẩn bị cho một cuộc sống có nhiều ràng buộc mới. Bi kịch đời người cũng bắt đầu từ đấy.
Chuyện bắt đầu từ tháng 9/2011, khi Trịnh Thị Phương tốt nghiệp ra trường và không xin được việc làm nên buộc phải xuống thành phố Thanh Hóa đi phụ bán tại sạp quần áo tại một cửa hàng của người quen ở số 248, đường Lê Hoàn, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa.
Để tiện cho công việc, Phương thuê một phòng trọ tại số nhà 116, Đội Cung để sinh hoạt. Dĩ nhiên, gã cũng biết chuyện này, thậm chí để động viên người yêu, gã thi thoảng lại đón xe đò từ Tây Nguyên về đây thăm người yêu.
Những lần về lại, gã không về nhà mà ở hẳn tại phòng trọ người yêu. Bẵng đi một thời gian, gã phải theo công trình làm xây dựng ở TP Quy Nhơn (Bình Định) nên việc về thăm cũng thưa hẳn đi. Nhưng mọi liên lạc vẫn đều đặn, cho thấy tình cảm vẫn mặn nồng.
Dịp lễ Giáng sinh 2011, để tạo bất ngờ cho người yêu, gã lặng lẽ đón xe về mà không báo trước. Đến khoảng 21 giờ ngày 14/12/2011 thì gã có mặt ở thành phố, tay ôm khệ nệ một hộp quà, trong lòng mơn man vui sướng.
Nỗi đau của gia đình bị hại trong phiên tòa.
Thế nhưng, khi gõ cửa phòng trọ quen thuộc thì gã hụt hẫng bởi cửa khóa ngoài, bên trong tắt điện. Gọi điện thoại thì máy liên tục báo bận. Hụt hẫng, buồn phảng phất nhưng gã gạt phắt chút hồ nghi vừa lóe lên về ý nghĩ người yêu đi chơi với gã nào đấy.
Thất thểu đi ra đường lớn, gã vừa ăn tối vừa chờ đợi người yêu. Tầm một tiếng đồng hồ sau, gã tiếp tục quay lại phòng trọ người yêu thì thấy điện trong phòng đã bật sáng nhưng lại chốt cửa trong. Hồi hộp gõ cửa, gã điếng người khi thấy kẻ ló cổ ra không phải là Phương mà là một gã đàn ông lạ hoắc, tóc tai bù xù.
Chưa kịp để cho gã hỏi han gì, người đàn ông nọ đã tự xưng là người yêu của Phương rồi đóng sập cánh cửa lại trong sự thẫn thờ của gã.
Có nỗi đau nào bằng việc một người đàn ông yêu cháy lòng, đón xe vượt cả ngàn cây số những mong làm cho người yêu vui trong ngày lễ mà lại phải chứng kiến cảnh một người đàn ông xa lạ đóng cửa cùng với người yêu của mình trong căn phòng chật hẹp.
Chết lặng trước sự thật phũ phàng không thể tin nổi, gã đập cửa bước vào, lấy hết sức bình tĩnh để chỉ tay vào mặt người yêu mắng một vài câu cho bõ tức rồi quay bước, tay ôm theo cả món quà đã được chuẩn bị kỳ công từ trước đó.
Đêm hôm đó, gã một mình lang thang khắp thành phố Thanh Hóa. Nỗi đau bị phụ rẫy đã làm gã tan nát tâm can, không còn nghĩ được gì khác ngoài chuyện sẽ níu kéo tình yêu.
Gã dằn lòng mình để chấp nhận tha thứ nêu Phương biết nói câu xin lỗi, gã sẽ bỏ qua tất cả để được là của nhau khi ai đó nhận ra lầm lỗi của mình. Và đợi đến mờ sáng hôm sau, gã mạnh bạo bước đến căn phòng của người yêu thêm một lần nữa.
Khi gã vừa đến ngõ cũng là lúc Phương dắt xe ra chuẩn bị đi làm. Gã níu áo người yêu lại, năn nỉ cùng vào phòng để nói chuyện. Vì bận đưa con nhà chủ đi học giúp nên Phương bảo gã chờ.
Được ít phút sau, Phương quay về và chở gã ra quầy bán vải, quần áo ở số 248, đường Lê Hoàn, ngồi nói chuyện. Tại đây, Trịnh Thị Phương có gọi điện thoại cho một người tên Hậu, quê ở Yên Định, Thanh Hóa xuống chơi và giới thiệu người yêu của mình cho chị Hậu biết mặt.
Thông qua người này, Phương muốn giải thích với gã chuyện hôm qua chỉ là sự hiểu nhầm. Cũng vì đã bảo lòng phải thứ tha nên gã không quan tâm đó là sự thật hay chỉ là lời nói chót lưỡi đầu môi.
Gã gật đầu chấp nhận coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Lúc này, gã một mực năn nỉ người yêu cùng theo mình vào Nam làm ăn, sinh sống. Nhưng sự chân thành ấy đã bị chối từ.
17 giờ chiều cùng ngày, gã đi bộ một mình về phòng trọ của Phương, trong khi người yêu và cô gái tên Hậu nọ đi xe máy về sau. Đến phòng, thấy gã đứng đó, Phương đã không mở cửa mà nhờ Hậu chở gã ra cầu Hoàng Long để bắt xe vào Nam.
Lần lữa không được, gã đành miễn cưỡng lên xe. Nhưng trên đường đi, nỗi tê tái bẽ bàng dâng ngập khiến gã muốn quay lại phòng trọ. Để làm gì thì gã chưa định. Nhưng cứ phải gặp nhau. Vậy nên, nói dối chị Hậu là để quên đồ, gã bảo chị này đứng chờ còn gã chạy xe quay lại.
Tại đây, gã thấy Phương đang ngồi bên trong liền đi vào và khép kín cửa phòng trọ lại. Thêm một lần nữa, gã kìm nén cơn tức để thỉnh cầu người yêu cùng vào Nam lập nghiệp rồi cùng nhau xây dựng gia đình.
Tuy nhiên, thêm một lần cố níu kéo thì gã lại bị chính người yêu dội cho một gáo nước lạnh khi thẳng thừng chối từ những gì mà gã đưa ra. Vì quá yêu, gã đã thề sống thề chết trước mặt người yêu, thậm chí gã còn chạy lại đầu giường lấy con dao với mục đích để dọa Phương, rằng Phương không đi theo thì gã sẽ tự vẫn chết ngay trước mặt.
Thấy người yêu vung dao lên định đâm vào ngực mình thật, Phương giật tay gã tước lấy con dao. Không làm chủ được mình, gã vơ vội chiếc phích nước gần đó đập liên tiếp vào đầu người yêu cho hả giận.
Trong lúc rối trí, gã đã cầm con dao nhọn đâm liên hồi vào ngực Phương. Khi thấy Phương không còn khả năng kháng cự, gã mới bừng tỉnh thì mọi việc đã muộn.
Ân hận trước việc mình gây ra, gã lấy dao tự cắt tay mình để chết theo nhưng vì quá đau, gã đã vứt dao rồi bỏ chạy khỏi xóm trọ. Trịnh Thị Phương đã chết ngay sau đó. Với tội danh "giết người", sáng ngày 6/7, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Đình Khoát mức án 14 năm tù giam.
Phiên tòa xét xử hôm đó có rất đông người đến dự khán. Cũng bởi cả bị cáo và bị hại đều cùng người một làng, nên có khá đông người quan tâm. Suốt phiên xét xử, gã luôn cúi gằm mặt, không dám ngước mắt lên nhìn mọi người.
Những giọt nước mắt của gã cũng đã rơi trong suốt quá trình xét xử. Khi người đàn ông khóc, ấy là lúc họ đã chạm đến nỗi đau tột cùng của số phận. Gã mang lại nỗi đau cho gia đình người yêu và cho chính gia đình gã, và bản thân gã còn đau đớn hơn gấp bội.
Khi được tòa cho nói lời sau cuối, ấy là lần đầu tiên gã dám ngước mắt lên nhìn người nhà bị hại để nói lời xin lỗi muộn màng. Nỗi đau quá lớn, nhưng họ cũng thấu hiểu phần nào, nên đã không nhận bất cứ khoản đề bù thiệt hại nào từ phía gia đình bị cáo.
Có lẽ, họ tin con gái mình cũng có lầm lỗi. Phiên tòa khép lại, song tòa án lương tâm trong lòng gã thì vẫn còn mãi.
0 comments:
Post a Comment